Ngày 8/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2020. Tại đây, Bộ trưởng nhấn mạnh, tuyển sinh 2020 cơ bản sẽ giữ ổn định như 2019 để tạo bình yên cho xã hội, hứng khởi cho học sinh, cùng đất nước vượt qua khó khăn thời dịch bệnh.
Trường đại học không chỉ nghĩ tới trách nhiệm chuyên môn
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ biểu dương trách nhiệm xã hội rất cao của các cơ sở GDĐH, các nhà khoa học trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Điều này thể hiện ở những thành tựu nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh; những hỗ trợ tích cực về tinh thần, vật chất cho người học và cộng đồng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến về tuyển sinh ngáy 8/5
Cũng trong giai đoạn khó khăn, các trường đại học còn thể hiện nỗ lực rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa dạy và học với mục tiêu “tạm dừng đến trường không dừng việc học”. “Chưa bao giờ việc áp dụng đào tạo trực tuyến lại mạnh mẽ như vậy. Kết quả ban đầu cho thấy đây không chỉ là giải pháp tình thế mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng, lâu dài cho giáo dục đại học, giáo dục phổ thông” – Bộ trưởng nhận định.
Trên cơ sở ghi nhận nỗ lực của hệ thống GDĐH, Bộ trưởng đồng thời đề cập đến trách nhiệm xã hội lớn hơn nữa mà hệ thống GDĐH cần phải làm trong giai đoạn này, đó là cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp. “Các cơ sở GDĐH là nơi cung ứng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực. Tại thời điểm Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì hệ thống GDĐH phải có những giải pháp cung ứng nguồn nhân lực, bắt đầu từ ngay mùa tuyển sinh năm nay” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng yêu cầu các trường phải trăn trở trước khó khăn của đất nước, biến nguy thành cơ bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, các trường cần nhấn mạnh cơ hội việc làm, dự báo bức tranh ngành nghề để người học biết được 4 – 5 năm sau khi ra trường sẽ như thế nào. “Tuyển sinh rất quan trọng nhưng chỉ là một khâu, nếu chúng ta chỉ đề cập đến tuyển sinh hay đầu điểm, tổ hợp… thì chưa phải là đủ, mà quan trọng là tư vấn, hỗ trợ cho phát triển”.
Chia sẻ về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng khẳng định, không có phương án hoàn hảo; thi tốt nghiệp THPT là phương án trong sự lựa chọn, vì vậy, rất cần có sự chia sẻ. Khi đã chốt phương án thì cả hệ thống vào cuộc, các trường cùng cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
“Tôi đánh giá cao các trường đại học đã chia sẻ nhưng phải thống nhất; thông tin chắc chắn, đầy đủ, được nghiên cứu kỹ mới đưa ra xã hội. Trong lúc này đất nước cần sự ổn định để giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Khối đại học không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chính trị xã hội, trách nhiệm với phụ huynh học sinh, cùng đất nước vượt qua khó khăn.” – Bộ trưởng nêu rõ.
Thi riêng cần đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng
Trao đổi về phương án tuyển sinh riêng mà một số trường có dự định thực hiện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây không phải việc dễ dàng với bất kỳ trường đại học nào, kể cả những trường đại học top đầu trong hệ thống. Theo Bộ trưởng, tổ chức kỳ thi riêng “không phải muốn làm gì thì làm” mà phải tuân thủ theo quy định, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Thi cũng phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi; điều kiện tổ chức công khai và có sự giám sát.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
“Chúng ta cũng sẽ tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần từng bước. Còn hình thức phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích” – Bộ trưởng nói.
Đối với việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ, Bộ trưởng lưu ý quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau. Có những nơi học bạ “rất long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì thế, những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý.
“Năm nay, sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT chúng ta sẽ tiến hành đối sánh với học bạ. Điều này sẽ cho thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Học bạ điện tử được áp dụng rộng rãi nên các trường có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát điều này”.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết, mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp nhưng độ phân hóa đề thi vẫn có nên các trường đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Ngày 7/5, Bộ GDĐT đã ban hành đề thi tham khảo, bước đầu được nhìn nhận đảm bảo các yêu cầu đặt ra, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện đề thi chính thức.
“Tôi nhấn mạnh, tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như 2019, tạo bình yên cho xã hội, hứng khởi cho học sinh… Tôi mong rằng, cả hệ thống GDĐH sẽ cùng nhau thực hiện” – Bộ trưởng nói.
Tháo gỡ băn khoăn cho trường đại học
Thông tin tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, quy chế tuyển sinh 2020 có một số điểm mới về tổ chức thi riêng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe được quy định chung cho các hình thức và loại hình đào tạo, không công bố trúng tuyển trước khi tốt nghiệp THPT. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay Bộ quy định rõ với những ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành, trường cần phải thông báo cho các bộ phận liên quan giải quyết, không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh như năm 2019.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin về Quy chế tuyển sinh năm 2020
Đánh giá về quy chế tuyển sinh năm nay, GS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy chế đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trước hết là đáp ứng được về pháp lý, tạo ổn định trong xã hội. “Chúng tôi yên tâm vì trong quy chế có quy định về tổ chức thi, kiểm tra riêng để các trường tuyển sinh. Đây vừa là điều kiện, vừa là cơ sở pháp lý để các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo phương án tổ chức kỳ thi, kiểm tra riêng” – GS Hồ Đắc Lộc chia sẻ.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, qua trao đổi với hơn 30 trường THPT, các trường đều đồng thuận với những chủ trương này. GS Quang ủng hộ việc trưng dụng, tăng cường thanh tra ủy quyền của các trường ĐH và mong muốn đề thi thật có phân hóa rõ hơn ở thang điểm từ 6-10 để các trường có thể sử dụng hiệu quả kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tuyển sinh.
PGS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng bày tỏ sự ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 và Quy chế tuyển sinh vừa ban hành. “Chúng tôi mong muốn những năm tới tiếp tục thực hiện phương án này và có lộ trình rõ ràng hơn khi chuyển đổi, với sự thống nhất cao hơn nữa của hệ thống GDĐH” – PGS Phạm Hồng Chương cho biết.
Cho rằng quy chế đã tháo gỡ nhiều vấn đề băn khoăn của các trường và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xã hội, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đề nghị, cả hệ thống chị trị vào cuộc để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, để các trường đại học yên tâm xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi này.
“Có hai việc quan trọng là coi thi và chấm thi. Năm ngoái chúng ta đã làm rất tốt hai việc này. Năm nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có giao trách nhiệm cho địa phương, nên cần tăng cường giám sát, để phòng ngừa tất cả những điều không mong muốn xảy ra” – GS.TS Tạ Thành Văn trao đổi.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ mong muốn Bộ GDĐT tiếp tục hỗ trợ các trường và đôn đốc hơn nữa khâu thanh tra, giám sát, hậu kiểm. Còn GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề xuất, năm nay Bộ GDĐT tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo, vì năm ngoái, Bộ đã hỗ trợ các trường rất tốt công đoạn này.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc
Trao đổi về phương án tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã chủ động dự đoán các tình huống, để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Tinh thần chung là, làm sao để công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu và thí sinh an yên tâm, dư luận đồng tình. Trên tinh thần đó, Quy chế tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Vừa có tính kế thừa, vừa có cập nhật thực tế để phù hợp với thực tiễn của năm nay.
“Quy chế tuyển sinh phát huy tối đa quyền tự chủ của trường đại học, nhưng các trường cần lưu ý đến trách nhiệm giải trình. Vì thế phải rà soát thật kỹ các thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh trước khi công bố công khai. Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra nội dung này” – Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, tuyển sinh là bước đầu trong qúa trình đào tạo. Vì thế, những thông tin mà các trường cung cấp cho thí sinh và xã hội phải trung thực, chính xác, có định hướng nghề nghiệp cho thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trước đề xuất của các trường về lọc ảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ các trường quy trình này. Vì thế, các trường cần tuân thủ cung cấp dữ liệu lên hệ thống đầy đủ, kịp thời, chính xác để hệ thống lọc ảo được tốt.